Đang truy cập: 42
Hôm nay: 10,090
Hôm qua: 10,107
Tháng hiện tại: 168,704
Tháng trước: 270,675
Tổng lượt truy cập: 1,017,896
- Đang truy cập42
- Hôm nay10,090
- Tháng hiện tại168,704
- Tổng lượt truy cập1,017,896
Sống trong cuộc đời này, ai cũng phải có trách nhiệm. Nếu không có trách nhiệm với chính mình, công việc, gia đình, xã hội thì con người khó có thể trưởng thành, tiến bộ. Đối với cán bộ, đảng viên, trách nhiệm không dừng lại ở bổn phận “việc phải làm, việc phải gánh vác, việc phải nhận lấy về mình”, mà đó còn là một trong những giá trị thuộc về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, chiều sâu văn hóa của người chiến sĩ tiên phong của Đảng. Tuy nhiên, việc thấu hiểu, thể hiện, hành xử với hai chữ “trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, đảng viên thời gian qua có nhiều vấn đề rất đáng cảnh báo.
Một biểu hiện suy thoái “kép”
Với tư cách là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu đã ăn sâu vào trái tim, khối óc của nhân dân lao động bởi nói đến đảng viên là nói đến hình ảnh dấn thân, tinh thần cống hiến, tấm gương hy sinh, trách nhiệm cao cả đối với Tổ quốc và nhân dân. Điều này đã được biểu hiện sinh động trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, những năm qua, trước sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên không những không giữ gìn được vai trò tiên phong, gương mẫu của người cộng sản, mà còn có biểu hiện sa sút ý chí phấn đấu, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong số 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu ra, có một biểu hiện suy thoái “kép” đáng báo động trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đó là: “Né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả” (biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị) và “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” (biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống).
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội cách đây chưa lâu của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), một trong 4 vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên chưa được đa số nhân dân ghi nhận, đó là tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên chưa hết lòng vì tập thể, vì việc chung, vì nhân dân, vì đất nước.
Đã là trách nhiệm thì phải làm đến nơi đến chốn. Trong khi Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thì còn không ít người tìm mọi cách để trục lợi, tham nhũng nhằm vinh thân phì gia. Khi Đảng đòi hỏi cán bộ, đảng viên “kiên quyết không nhận quà biếu với động cơ vụ lợi dưới mọi hình thức; không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi”, thì một số người vẫn thản nhiên thu vén, vơ vét quà cáp của nhân viên, cấp dưới, người lao động và để cho vợ con lén lút làm những việc không trong sáng, minh bạch, gây điều tiếng xấu. Khi Đảng yêu cầu phải đề cao ý thức trung thực, công tâm, cầu thị trong tự phê bình và phê bình, thì còn nhiều cán bộ, đảng viên né tránh khuyết điểm, chạy theo thành tích, thậm chí lợi dụng phê bình để tâng bốc, tung hô nhau hoặc thành kiến, trù dập những người có ý kiến cương trực, thẳng thắn. Khi được bổ nhiệm chức vụ mới, đáng ra cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng có những người đã lợi dụng vị trí công để lo việc tư, cắt xén của công đưa vào nhà riêng, lúc tập thể có thành tích thì "vơ" công lao về cá nhân mình, khi cơ quan, đơn vị có khuyết điểm thì lại đổ lỗi trách nhiệm chung nhằm “đánh bùn sang ao”, “hòa cả làng”! Thậm chí ở một số nơi đã xuất hiện tình trạng người đứng đầu miệng thì “thao thao bất tuyệt” là phải phát huy dân chủ trong thường vụ, cấp ủy, nhưng khi lại mưu mẹo, khéo léo “vỗ về” tập thể lãnh đạo “nuông chiều” theo ý kiến cá nhân, lúc thì lạm dụng tối đa quyền lực để định hướng, “lèo lái” thường vụ, cấp ủy tán thành với chủ kiến bản thân đưa ra. Đây thực chất là biểu hiện dựa dẫm, ỷ lại vào “trách nhiệm tập thể” nhưng để né tránh trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo khi có hệ lụy xảy ra.
Một đảng viên bình thường khi thiếu trách nhiệm đã là điều đáng trách. Nhưng đáng phê phán hơn là một bộ phận đảng viên có chức, có quyền thiếu trách nhiệm trong rèn luyện, tu dưỡng, công tác. Vì sự thiếu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cấp không chỉ ảnh hưởng đến tư cách, uy tín cá nhân, mà còn tác động không thuận đến sự phát triển ổn định, lành mạnh của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cán bộ có chức vụ càng cao mà thiếu trách nhiệm thì càng gây ra những hệ lụy, hậu quả lớn. Những vụ việc sai phạm liên quan đến nhiều cựu cán bộ lãnh đạo ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016… đều liên quan đến sự thiếu trách nhiệm cá nhân người đứng đầu ở các doanh nghiệp, cơ quan, địa phương này.
Đề cao trách nhiệm nêu gương để phòng ngừa, giảm thiểu suy thoái
Sống trong cuộc đời này, ai cũng phải có trách nhiệm. Nếu không có trách nhiệm với chính mình, công việc, gia đình, xã hội thì con người khó có thể trưởng thành, tiến bộ. Đối với cán bộ, đảng viên, trách nhiệm không dừng lại ở bổn phận “việc phải làm, việc phải gánh vác, việc phải nhận lấy về mình”, mà đó còn là một trong những giá trị thuộc về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, chiều sâu văn hóa của người chiến sĩ tiên phong của Đảng. Vậy tinh thần trách nhiệm là gì? Giải đáp câu hỏi này, sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v.. là không có tinh thần trách nhiệm”.
Nói về hai chữ “trách nhiệm” thì dễ, nhưng thực hiện đến nơi đến chốn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thì lại đòi hỏi mỗi người luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình, từ đó thường xuyên nêu cao ý thức, bổn phận, nghĩa vụ trong rèn luyện, công tác, gắn bó hết mình với công việc, tận tụy với chức trách được phân công, góp công góp sức cùng cán bộ, nhân viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Phải làm sao để theo ngày ngày tháng tháng, mỗi cán bộ, đảng viên càng làm việc càng trôi chảy, hiệu quả, càng đóng góp nhiều hơn cho tập thể. Vì khi tập thể vững mạnh, trưởng thành thì bản thân mình cũng tiến bộ.
Theo đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, để có tinh thần trách nhiệm tốt, mỗi cán bộ, đảng viên cần có “5 tự”: Phải tự mình chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, làm việc có chương trình, kế hoạch, khoa học và đạt kết quả cao nhất; Phải có tính tự trọng cao để làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, vì danh dự của cá nhân; Phải biết tự xử với chính bản thân mình trong mọi việc, khi mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên, không tranh công, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác; Phải tự giác tự phê bình, phê bình và không được tự ái để không ngừng tiến bộ; Phải có sự tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao.
Một trong những tiêu chí cơ bản để nhận định, đánh giá cán bộ, đảng viên có hoàn thành chức trách, nhiệm vụ hay không, đó là tinh thần trách nhiệm. Từ nhiều năm nay, khi lựa chọn nhân sự vào vị trí lãnh đạo các cấp, Đảng ta luôn nhấn mạnh đến tiêu chí “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của người cán bộ. “Dám chịu trách nhiệm” không chỉ thể hiện tinh thần gan dạ, dũng cảm, tính khí khảng khái, cương trực của người cán bộ, mà còn nói lên ý thức dám đối mặt với khó khăn, chấp nhận sự rủi ro khi dấn thân vào việc khó, giải quyết vấn đề khó, chưa có tiền lệ, song cũng khơi thông được mạch nguồn sáng tạo, cổ vũ cho những hướng đi mới, cách làm mới mang lại hiệu ứng, hiệu quả khả quan trong tương lai. “Dám chịu trách nhiệm” hiểu theo nghĩa này chính là khuyến khích những nhân tố mới để góp phần làm chuyển biến, thay đổi tình hình theo chiều hướng tích cực. Như vậy, “dám chịu trách nhiệm” ở đây là tinh thần đề cao “trách nhiệm nhân đôi” và cũng là bản lĩnh vững vàng của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp.
Trong tình hình hiện nay, để tránh nguy cơ sa ngã, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, nhất là cán bộ có chức có quyền luôn bị những cám dỗ bủa vây quanh mình nên bất cứ một sự lơ là, dễ dãi, sơ hở nào cũng có thể bị “sập bẫy” trước “cái bả” tiền tài, danh vọng và tửu sắc đầy mê hoặc, quyến rũ nhưng chòng chành, mong manh như đứng bên lề vực thẳm! Tự nghiêm khắc với chính mình cũng là một trong những cách tốt nhất để đội ngũ cán bộ, đảng viên tự phòng ngừa, giảm thiểu được những biểu hiện suy thoái
Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” đã nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”; đồng thời yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên có trách nhiệm nêu gương ở 7 nội dung cụ thể là: Tư tưởng chính trị; Đạo đức, lối sống, tác phong; Tự phê bình và phê bình; Quan hệ với nhân dân; Trách nhiệm trong công tác; Ý thức tổ chức kỷ luật; Đoàn kết nội bộ. |
THIỆN VĂN (Theo qdnd.vn)
Ý kiến bạn đọc
Đang truy cập: 42
Hôm nay: 10,090
Hôm qua: 10,107
Tháng hiện tại: 168,704
Tháng trước: 270,675
Tổng lượt truy cập: 1,017,896